[SÁCH] Muôn kiếp nhân sinh – Many times - Many lives

Cuốn sách đưa người đọc bước vào cuộc du hành thám hiểm vượt không gian và thời gian. Từ cuộc gặp gỡ tiền định tại Đài Loan của GS. John Vu với Thomas và các nhà khoa học năm 2008, chúng ta sẽ được trực tiếp trải nghiệm hành trình nhân quả luân hồi vô tiền khoáng hậu qua nhiều đời nhiều kiếp của Thomas – từ nền văn minh Atlantic huyền thoại đến những vương triều Ai Cập cổ đại và trở về thế giới hiện đại tại nước Mỹ.

Xuyên suốt hành trình muôn lượng kiếp ấy, ta có thể nhìn ra sự liên kết ràng buộc chặt chẽ của nhân - quả, mối liên kết giữa con người và vạn vật, giữa ứng xử của con người và quốc gia, sự điều khiển của vũ trụ và số phận con người. Từ đó, ta hiểu được rằng con người hay tất cả những hiện thân, dạng thức tồn tại hôm nay bắt nguồn từ một nguồn năng lượng vũ trụ chịu sự chi phối của luật nhân quả đã tồn tại, hình thành, trưởng thành từ vô lượng kiếp trước đó theo một quy luật, nhất quán, hoàn chỉnh và không hề có sự tình cờ, ngẫu nhiên.

Điều đặc biệt, cuốn sách chính là quy luật nhân quả và luân hồi được lý giải, phân tích logic theo năng lượng học qua những câu chuyện quá khứ - hiện tại – tương lai, cùng những câu chuyện tình yêu sống động, huyền thoại; những đoạn đối thoại minh triết, thông tuệ hiếm có, được kết nối chặt chẽ với nhau, tạo nên một hành trình chiêm nghiệm, khám phá tâm linh, luân hồi, nhân quả có một không hai, cực kỳ bất ngờ và lôi cuốn.

Tâm đắc nhất là cuộc đối thoại của hai người phụ nữ Nedjem Cihone thuộc hai giai cấp khác nhau từ thời Pharaoh.

...
Cihone lắc đầu:

Tôi không được dạy bảo gì hết ạ. Tôi chỉ biết yêu thương những đứa trẻ mà thôi.

Nedjem bật cười:

Ngươi không cần phải khiêm nhường như thế. Cha của ngươi là y sĩ mà cũng không chữa được, nhưng giao những đứa trẻ cho ngươi săn sóc thì mọi bệnh đều khỏi. Hẳn ngươi phải có bí quyết nào đó?

Cihone lắc đầu:

Không ai bảo tôi phải làm thế cả. Tôi chỉ biết thương yêu, và cảm nhận rằng một khi được thương yêu, con người có thể mạnh mẽ, khỏe mạnh hơn và trẻ con cũng vậy.

Nedjem nghe chăm chú, nhìn Cihone một lúc rồi hỏi:

Nếu bây giờ có một người đàn ông yêu thương một người phụ nữ, muốn nàng hoàn toàn thuộc về, thì như ngươi nói, tình thương yêu đáp lại của người phụ nữ đó sẽ làm người đàn ông mạnh mẽ hơn. Ngươi sẽ nghĩ sao?

Cihone suy nghĩ, rồi trả lời:

Thưa, tôi không biết đó có phải là tình yêu thương thực sự không, hay là một sự chiếm hữu, sự chiếm đoạt sẽ gây ra đau khổ. Tình yêu thương phải từ hai phía chứ không thể gây đau khổ cho người khác được.

Nedjem tiếp tục hỏi:

Nếu có một người phụ nữ hi sinh cho một người đàn ông khác mặc dù người đàn ông đó không để ý đến mình thì ngươi có cho là tình thương yêu không?

Cihone lên tiếng:

Thưa, tình yêu thương thực sự không thể tạo ra đau khổ mà chỉ mang lại niềm vui. Nếu hi sinh mà gây ra sự chịu đựng, đau khổ thì đó là một cái gì đó khác chứ không phải là tình thương yêu chân thật.

Nedjem im lặng rồi hỏi:

Nếu như thế, tình thương yêu là gì?

Cihone đáp:

Tôi chỉ biết yêu thương vô điều kiện mà thôi.

Nedjem hỏi:

Nếu vậy, tình thương giữa vợ chồng thì như thế nào? Liệu người ta có thể thương yêu nhau như thế không?

Cihone vô tình nói:

Nếu họ yêu thương chân thành, không thiết tha bám víu hay đòi hỏi một điều gì cả thì đó là tình thương thật sự. Nếu bám víu, lệ thuộc vào một điều gì đó thì đấy chỉ là sự hấp dẫn, vì nếu không được gần nhau, không được đền đáp, họ sẽ đau khổ. Tình thương thật sự không thể dẫn đến đau khổ. Những người biết thương yêu nhau như thế, dù có xa cách thì tình yêu của họ dành cho nhau cũng không bao giờ thay đổi.

Nedjem tò mò:

Cha mẹ ngươi đã dạy ngươi những gì?

Cihone thưa:

Cha nuôi tôi dạy rằng có hai động lực điều khiển đời sống con người: lòng tham và tình thương. Lòng tham dẫn đến việc sử dụng tất cả mọi thứ, kể cả bạo lực, để chiếm lấy cái mình muốn. Tình thương thì khác, nó chỉ biết cho đi chứ không đòi hỏi gì hết. Mẹ nuôi tôi cũng dạy rằng cha mẹ không bao giờ đòi hỏi con cái phải làm gì để bù lại những hy sinh của họ. Bổn phận của họ là thương yêu con cái, có thể thôi. Từ đó, tôi biết trong mọi việc, dù lớn hay nhỏ, đều phải có thái độ như thế. Đừng mong mỏi hay đòi hỏi được đền đáp điều gì. Nên là người cho đi, nên là người giúp đỡ người khác, thương yêu tất cả, dù bị lường gạt cả trăm lần. Đừng kể những điều tốt đã làm, đừng nhắc những gì đã cho, đừng chờ đợi ai trả ơn, đừng có muốn có những gì vốn không thuộc về mình và hãy vui tươi thanh thản sống như thế thì sẽ hạnh phúc thực sự.

Share this

Related Posts

Previous
Next Post »