LÝ THƯỜNG KIỆT - Công Hạ Thành Ung Châu

Do cả sử Việt và Hoa đều đã để mai một đi chiến công rực rỡ này, nên chúng ta chỉ còn cách cùng nhau tưởng tượng về nó khi xem tiểu thuyết nhé. Điều an ủi là quyển tiểu thuyết này viết dựa trên những tư liệu lịch sử quý hiếm, độ khả tín có thể xem là rất cao so với hiện nay.

“Hai bên bàn luận gần nửa ngày, mà vẫn không đi đến kết quả nào. Cuối cùng nguyên soái Thường Kiệt quyết định: Đồng ý cho đánh thành Ung, với hai điều kiện. Một là không được hy sinh quá năm trăm quân Việt. Hai là trong bảy ngày mà không hạ được thành, thì coi như thất bại, cho rút quân. 

Việc đánh thành trao cho Trung Thành Vương, Tín Nghĩa Vương. Hai vương họp với Long Biên ngũ hùng, Tây Hồ thất kiệt, Thần Vũ thập anh, Vũ kỵ thượng tướng quân để nghị kế đánh thành. 

Đinh Hoàng Nghi đứng lên nói: ‘Nguyên soái đã giới hạn cho chúng ta bảy ngày, vậy bây giờ đệ xin đưa ra năm bước phá thành Ung, chỉ trong ba ngày mà quân mình chết rất ít, nhưng quân Tống thì chết nhiều lắm’.

Tín Nghĩa Vương hỏi: ‘Nghi đệ thử nói cho ta nghe xem nào?’

–Bước thứ nhất là tuyệt đường cấp nước. Trong mấy ngày đánh thành, đệ chú ý thấy quanh thành Ung có con hào cực sâu bắt nguồn từ một sông nhỏ. Hào lại có lạch nhỏ thông vào trong thành. Địa thế thành rất cao. Nếu bây giờ ta ngăn nước con sông thông với hào, rồi khơi đất thực sâu, ắt bao nhiêu nước quanh hào sẽ rút ra hết. Như vậy chỉ nội trong hai ngày trong thành không còn nước uống nữa.

Mọi người vỗ tay hoan hô.

–Bước thứ nhì là lấp hào. Ta hiện có trong tay hai vạn tù binh. Sau khi khơi hết nước ở hào quanh thành, ta dùng tù binh khuân đá lấp hào. Dĩ nhiên trong khi họ lấp hào, thì quân trong thành có thể bắn tên, lăn đá xuống. Vậy khi họ khuân đá lấp hào, thì ta dùng đội Thần tiễn Long Biên phục bên ngoài, hễ quân Tống nhô đầu lên là bắn ngã.

Trung Thành Vương gật đầu: ‘Phương pháp này được. Rồi sao?’

–Bước thứ ba là ta dùng lối công thành như vũ bão, như sét nổ liên tiếp ngày đêm; reo hò xung phong, dùng đại nỏ bắn Lôi tiễn đốt sạch nhà cửa, kho lẫm. Như vậy chỉ hai ngày sau quân Tống kiệt lực, lương thảo cháy hết, nhà cửa trú ngụ chẳng còn. Bấy giờ ta tiến sang bước thứ tư.

Mọi người hỏi: ‘Bước thứ tư là gì?’

–Bước thứ tư là, quân ta, người nào cũng có một cái túi vải lớn đựng trang phục, dụng cụ. Ta lệnh cho quân tạm cất trang phục, dụng cở ở trại, lấy túi đó đựng đất. Ta cho họ chờ sẵn ở gần bốn khu của bốn tường thành. Bước thứ năm, ta cho bắn tới tấp, bắn thực nhiều Lôi-tiễn vào thành, không chừa một chỗ nào. Bấy giờ quân Tống không còn thấy trời đất là gì; ta cho quân xung phong đến trước tường thành xếp bao lại thành bức tường có bậc, rồi leo rồi leo vào trong.

Trung Thành Vương khen ngợi: ‘Được, ta đồng ý kế hoạch của Nghi đệ”.

Vương ban lệnh: ‘Trong năm bước Nghi đệ đưa ra, có hai phần chính yếu. Hai phần này phải phối hợp nhịp nhàng với nhau. Việc thứ nhất là khơi nước, lấp hào, đem túi vải làm ụ. Việc thứ nhì là công thành. Vậy việc thứ nhất Tín Nghĩa Vương đảm trách. Việc thứ hai do ta đảm trách.

Vương hỏi em: ‘Nhị đệ! Nhị đệ định trao cho ai làm, bao giờ thì làm?’

–Làm ngay lập tức.

Tín Nghĩa Vương trả lời: ‘Việc tổng chỉ huy đào đất ngăn nước sông, khơi nước trong thành chảy ra ngoài giao cho Vũ kỵ thượng tướng quân Hà Mai Việt.

Hà Mai Việt đứng dậy nhận lệnh.

–Việc dùng tù binh lấp hào trao cho Thần Vũ thập anh. Công tác phải thi hành ngay lập tức, không kể ngày đêm.

Thần Vũ thập anh đứng dậy nhận lệnh.

–Việc chất bao đất làm ụ, sẽ do Tây Hồ thất kiệt dùng bản bộ quân mã thực hiện.

Trung Thành Vương vui lòng: ‘Lực lượng công thành không cần đông. Chỉ cần bốn hiệu đánh bốn mặt, một hiệu đánh vào trung ương. Việc này ta giao cho Long-biên ngũ-hùng’.

Vương ban lệnh: ‘Việc tổng chỉ huy nã đại nỏ vào thành, ta giao cho Phạm Dật. Lúc đầu để cho quân khỏi mệt, ta chia lực lượng làm hai, luân phiên nhau, mỗi ngày hai hiệu đánh hai hiệu nghỉ. Vậy Vũ Quang, Hoàng Nghi một phiên; Lý Đoan, Trần Ninh một phiên. Cứ hai hiệu công, thì hai hiệu nghỉ. Sau hai ngày, quân Tống mệt mỏi rồi, thì ta dùng cả bốn hiệu cùng đánh. Vũ Quang cửa Tây, Hoàng Nghi cửa Bắc, Lý Đoan cửa Nam, Trần Ninh cửa Đông’.

Vương đưa mắt nhìn Phạm Dật: ‘Ngay chiều nay, Vũ Quang, Hoàng Nghi đánh trước.

Giờ Tuất (19-21 giờ)ngày 20 tháng giêng, Phạm Dật sai bắn lên trời mũi Lôi tiễn chứa hoàng thạch, mã não. Mũi Lôi tiễn lên cao, thì lửa bắt cháy vào hoàng thạch, mã não phát nổ như tiếng sấm rung động không gian thành Ung. Tại bốn phía, bọn Vũ Quang, Hoàng Nghi, Võ Kim Liên, Phương Quỳnh, đã leo lên trúc đài chờ đợi từ lâu. Khi thấy mũi đại Lôi tiễn nổ, thì biết là lệnh công thành bắt đầu. Cả bốn người đều cầm cờ đỏ phất lên, nỏ binh châm lửa phát pháo. Phút chốc hàng trăm tiếng nổ rung động thành Ung, lửa phụt lên cao, bắn tung ra khắp nơi. Sau hai khắc, thành ngập trong biển lửa. Quân Tống kinh hoàng ôm đầu chạy toán loạn, tiếng ngựa hí, tiếng chó tru, tiếng người gào thét lẫn với tiếng nổ của Lôi tiễn vọng đi rất xa. Quân trên thành đành núp trong hố, không giám ngóc đầu dậy. Tín Nghĩa Vương đứng trên đài cao nhìn rất rõ biến chuyển trong thành. Vương ra lệnh cho Hà Mai Việt, Thần Vũ thập anh hành sự.

Cuộc nã Lôi tiễn diễn ra suốt đêm, cho tới giờ Thìn ngày hôm sau, 22 tháng giêng, thì đổi phiên. Phiên này do Lý Đoan, Trần Ninh, Ngọc Liên, Ngọc Hương đảm trách. Cũng cùng lúc ấy Hà Mai Việt đã cho khơi cạn hết nước bốn con hào quanh thành. Đến chiều hôm ấy, thì Thần Vũ thập anh đã lấp xong bốn con hào.

Giờ Dậu, ngày 22 tháng Giêng, Trung Thành Vương, Tín Nghĩa Vương đi một vòng quanh thành quan sát trận thế. Đến tối nhị vương truyền mời chư tướng lại họp.

Tín Nghĩa Vương hỏi Long-biên ngũ hùng: ‘Từ trưa đến giờ các em có nhận thấy gì khác lạ không?

Kim Loan, Kim Liên trả lời: ‘Em thấy dường như trong thành tê liệt hoàn toàn, không còn sức chống trả nữa’.

– Đúng thế. Vậy Tây-hồ thất kiệt chuẩn bị, đúng giờ Dần ngày mai, thì cho quân xếp cho quân xếp bao đất làm ụ leo vào.

Đêm đó, đến phiên Lý Đoan, Trần Ninh, Ngọc Liên, Ngọc Hương chỉ huy hai hiệu Bổng Nhật, Đằng Hải nã đại nỏ cầm chừng, mục đích làm cho quân Tống ăn ngủ không yên.

Ngày 23 tháng giêng. Đúng ra sang giờ Sửu (1-3 giờ sáng) thì tới phiên Vũ Quang, Hoàng Nghi, Kim Liên, Phương Quỳnh công thành cho đám Lý Đoan, Trần Ninh nghỉ. Nhưng hôm nay là ngày đại tấn công. Bốn cặp Dật, Quang, Đoan, Ninh dàn quân ra bốn mặt Tây, Bắc, Đông, Nam, còn Hoàng Nghi với bản bộ quân mã thêm đội Thần tiễn Long-biên chờ đợi ở cửa Nam. Bốn mặt, bốn hiệu quân cùng bắn đại nỏ vào thành. Đây là lần đầu tiên thành Ung phải hứng chịu một cuộc hỏa công kinh hồn động phách như vậy.

Sau một giờ bắn đá, Lôi tiễn, vừa sang giờ Dần, Tín Nghĩa Vương cho tung lên trời năm chiếc pháo thăng thiên, tỏa ra năm mầu vàng, trắng, đen, xanh, đỏ. Đó là lệnh cho quân mang bao đất làm ụ. Lập tức Tây Hồ thất kiệt phất cờ hiệu, quân xung vào sát tường, mỗi người lính đều mang một bao đất, mau chóng xếp lại với nhau, phút chốc thành một cái ụ có nhiều bậc cao bằng mặt thành.

Thần Vũ thập anh tung mình leo lên đầu tiên với đội Thần tiễn Long-biên. Không gặp một chống cự nào. Mười người cho mở cổng thành ra, đội Thần hổ, Thần báo gầm lên một tiếng rung động trời đất, tỏa ra như rẻ quạt, xung vào trước. Bốn hiệu Thiên tử binh reo hò tràn như nước vỡ bờ tiến vào chiếm bốn khu. Còn hiệu Quảng-vũ do Hoàng Nghi, Phương Quỳnh chỉ huy, xông thẳng vào trung ương. Tất cả không gặp một kháng cự nào.

Trung Thành Vương, Tín Nghĩa Vương đã nhập thành. Một cảnh tượng kinh hoàng phơi bầy ra trước mắt hai vương: Khắp nơi chỉ còn trăm căn nhà bằng ngói là nguyên vẹn. Còn nhà gỗ, nhà tranh, cái thì cháy chỉ còn nền, cái thì trơ lại mấy cái cột. Rải rác trên mặt đất, xác chết chồng chất lên nhau, lẫn lộn trong đống tro, trong bùn lầy. Lại có những cái nằm vắt vẻo trên cây, chân tay co quắp, mắt trợn trừng trừng; mùi hôi thối xông lên nồng nặc.

Đinh Hoàng Nghi có nhiệm vụ tiến chiếm dinh tổng trấn. Cho nên khi vừa vào trong, chàng cùng Phương-Quỳnh xua quân tiến thẳng vào trung ương. Một đội võ sĩ Tống hơn ba trăm người dàn ra ra chặn lại. Đội võ sĩ này, quần áo rách bươm, đầu tóc tả tơi; được chỉ huy bởi Tô Giam. Họ chiến đấu rất mãnh liệt. Nhưng họ đương đầu sao nổi với đội Thần tiễn Long-biên, và hiệu Quảng Vũ? Nên trong khoảnh khắc, chỉ còn lại hơn ba chục người. Phương Quỳnh thấy vậy, động lòng bất trắc, ra lệnh cho đội Thần tiễn:

– Ngừng tay!

Nàng tiến lên cung tay hành lễ với Tô Giam:

–Tô tướng quân! Người cứ thong thả lùi vào dinh. Tiểu nữ hứa không làm khó dễ người cùng bảo quyến đâu.

Trung Thành Vương, Tín Nghĩa Vương đã tới. Tín Nghĩa Vương hướng Tô Giam chắp tay:

– Tô tiên sinh, đầu hàng đi thôi!

Tô Giam trong dáng mệt mỏi cùng cực, nhưng tinh thần vẫn tỉnh táo, ông chắp tay hướng hai vương:

– Nhị vị vương gia! Tô Giam này đã trấn ở Nam-thùy trong hơn ba mươi năm nay, nên hiểu rất rõ Đại Việt. Chính lão phu từng chống đối chính sách của Thẩm Khởi, Lưu Di gây hấn với Đại Việt. Nhưng… nhưng chỉ vì cương trực, lại chủ thân với Đại Việt, mà hoạn lộ đầy chông gai, mà phải ở dưới quyền bọn Thẩm, Lưu. Nay cái tai vạ này, do chính chúng gây ra, rồi lão phu phải chịu. Hôm nay lão phu nhất định sẽ chết ở thành Ung này để báo đáp quân phụ.

Trung Thành Vương chắp tay hành lễ:

–Tô tiên sinh chẳng nên bi phẫn, anh em tiểu sinh hứa cấp ngựa, xe, lương thảo để tiên sinh với gia quyến rời khỏi đây.

Tô Giam vái nhị vương:

– Đa tạ nhị vị vương gia, lão phu sống thì trấn thủ thành Ung, nay thành Ung mất, thì nguyện làm ma thành Ung. Vậy lão phu xin nhị vương ban cho một ân huệ.

Tín Nghĩa Vương cảm động:

–Xin tiên sinh cứ nói, anh em tiểu sinh nguyện chu toàn.

Tô chỉ vào dinh mình:

–Nguyện vọng của lão phu là xin nhị vương không cho bất cứ người hay thú nào vào trong dinh của lão phu trong vòng một giờ. Không biết vương có hứa cho không?

Tín Nghĩa Vương gật đầu:

– Tiểu sinh xin hứa.

Vương phất tay cho binh sĩ, cùng các đội thú lùi ra xa. Tô Giam cùng đôi võ sĩ tiến vào trong dinh. Khoảng hơn khắc sau, trong dinh bốc cháy, phút chốc ngọn lửa bốc cao. Trong khói lửa chập chờn, người người đều thấy Tô Giam mặc quần áo đại trào, tay cầm hốt, ngồi nghiêm chỉnh, miệng mỉm cười, cho tới khi dinh thự sụp đổ. Nhị vương cùng chư tướng hướng vào trong đám lửa cháy, vái ba vái. Khoảng nửa giờ sau, dinh tổng trấn chỉ còn lại một đống than đỏ lừ. Nhưng vì đã hứa trong một giờ không cho quân nhập dinh tổng trấn, nên Tín Nghĩa Vương chỉ biết đứng nhìn. Đợi đúng một giờ sau, nhị vương cho bới than, tìm ra được ba mươi sáu xác chết là vợ, con, cháu của Tô Giam, với với xác của hai mươi mốt dũng sĩ.

Quân Đại-Việt được lệnh rút ra ngoài thành, chỉ để lại hiệu Bổng Nhật của Lý Đoan, Ngọc Liên thu dọn chiến trường.

Trung Thành vương cho quân thu nhặt xác chết xếp lại thành từng đống, rồi sai chất củi, đổ dầu thiêu hết. Vương sai khâm liệm thi thể Tô Giam với gia quyến đem chôn, lại cho lập bia đá trên từng mộ, đề tên từng người. Còn dân, quân còn sống sót thì bắt rời thành thành, vì sợ độc khí tử thi gây bệnh.

Nguyên soái Thường-Kiệt, quân sư Tôn Đản đã tới. Nước mắt đầm đìa, công chúa Thiên-Ninh đọc kinh vãng sanh cho oan hồn binh tướng, dân chúng Tống. Thường Kiệt nói với Trung, Tín nhị vương:

–Ta hẹn cho nhị đệ bẩy bẩy ngày để hạ thành Ung, nhưng nhị đệ thành công trong vòng ba ngày. Ta lại hẹn không thể để quân chết quá năm trăm, mà nhị đệ chỉ hy sinh có hơn trăm tù binh. Giỏi. Thôi, ta hủy thành, rồi lui binh.”

Lý Thường Kiệt ()

(Nam Quốc Sơn Hà, Trần Đại Sỹ)