10 tư tưởng chính của Đức Phật để giúp chúng sinh dễ dàng tư duy quán chiếu

Tư tưởng thì vô cùng vô tận nhưng chính Đức Phật đã gom lại 10 tư tưởng chính để giúp chúng sinh dễ dàng tư duy quán chiếu. Đó là: 
  1. Vô thường tưởng: Thế gian, vạn hữu là vô thường. Khi chúng ta suy nghĩ sự sinh diệt của thân và tâm là để giải phóng tư tưởng ra khỏi các vọng chấp tướng. 
  2. Khổ tưởng: Có thân là có khổ. Sanh khổ, lão khổ, bệnh khổ, chết khổ và bao nhiêu phiền muộn, bất lợi, uất ức, phiền não…làm cho con người không được an vui tự tại. 
  3. Vô ngã tưởng: Không có vật thể nào trên thế gian nầy mà tự nó có thể sanh tồn và phát triển mà không cần nhân duyên hòa hợp kể cả cái Ta của chúng ta. Vì thế vạn hữu là vô ngã. Nhờ suy tưởng như thế mà dần dần chúng ta thoát ra khỏi chấp ngã và ngã sở để đi đến chỗ tự tại vô ngại. 
  4. Yếm ly thực tưởng: tư tưởng không vướng bận trong việc mưu sinh. Chính Đức Phật đã dạy các vị Tỳ kheo phải tiết độ trong việc ẩm thực, bởi vì “ăn để sống chớ không phải sống để ăn”. Suy nghĩ như thế là để chúng ta không còn lệ thuộc vào vật chất một cách quá đáng. Thật ra con người từ cổ chí kim, từ Đông qua Tây có chém giết lẫn nhau cũng vì miếng cơm manh áo, tức là tranh giành ảnh hưởng kinh tế. Như thế chúng ta phải xem ăn uống như là phương tiện chớ đừng đặt nó làm mục đích của cuộc sống bởi vì cứu cánh của đời sống phải là cái gì cao thượng hơn. 
  5. Dục lạc tưởng: là Tham-Sân-Si mà đó là kết quả của vô minh và ái dục. Ngoài ra Đức Phật cũng dạy rằng: "chúng sinh bị chi phối bởi tám pháp thế gian là: được lợi, mất lợi, được danh, mất danh, được khen, bị chê, được vui, bị khổ. Người nào có thể tự mình giải phóng tư tưởng ra khỏi những căn bản bất thiện trên thì chắc chắn sẽ được tự do, giải thoát.” 
  6. Tử tưởng: Có sanh tất có ngày chết. Vì đã thông hiểu ngũ uẩn là Không nên con người không tham sống hay sợ chết. Sống thì an vui tự tại, còn chết thì bình thản, nhẹ nhàng có gì phải sợ. 
  7. Đa quá tội tưởng: đây là nói về thân kiến, có nghĩa là quá quý trọng thân xác và bảo vệ nó với bất cứ giá nào. Chính Đức Phật dạy phải giữ gìn cho thân thể khỏe mạnh để dễ dàng tu niệm mà phát sanh trí tuệ chớ Đức Phật không bao giờ dạy chúng sanh phải quý trọng thân xác của mình bao giờ. Một người khỏe mạnh có thể hy sinh thân mình cho nghĩa cử vị tha cao đẹp, ngược lại người quá quý trọng xác thân có thể hảm hại kẻ khác để mình được vinh thân phì gia. 
  8. Ly tưởng: là xuất ly tam giới để được giải thoát giác ngộ. 
  9. Diệt tưởng: là nuôi hoài bảo tâm niệm tận diệt mọi phiền não khổ đau. 
  10. Vô ái tưởng: Cuối cùng là giải phóng tư tưởng ra khỏi ái dục. Phật lại dạy rằng: "Ái dục sinh ra sầu muộn, ái dục sinh ra lo sợ. Người đã hoàn toàn dập tắt ái dục thì sẽ không còn sầu muộn và lo sợ". Thật vậy, ngày nào tư tưởng của chúng ta còn bị ảnh hưởng ái dục thì ngày đó chúng ta chưa thể tự tại vô ngại được. Vì sự quan trọng của tư duy nên Kinh Phật cũng có câu: ”Tam giới duy tâm, vạn pháp duy thức”, có nghĩa là trong ba cõi Dục giới, Sắc giới và Vô Sắc giới chỉ do tâm mình tạo ra và vạn pháp cũng do thức mình tạo ra mà thôi...
Phật pháp vô biên