Nhớ Gốm

Một ngày đông giá rét, từ Hà Nội ngược lên Bắc Ninh, về làng Phù Lãng thăm Nhung gốm. Nhà chênh vênh bên rẻo đồi xanh um nhãn và vải, sực nức mùi thơm của đất, ấm sực hơi gốm toả từ những mẻ bình, lọ vừa ra lò. Mấy cô thợ gốm lúi húi dọn, sàng từng mẩu đất thừa. Nhìn những bàn tay tỉ mẩn nâng niu từng vụn đất, tự nhiên nhớ gốm Bàu Trúc…

Lò nung gốm lộ thiên ở Bàu Trúc. Ảnh chụp từ những năm 90

Ngày còn bé, tôi suốt ngày la cà với đất và những thằng bạn Chăm cùng làng. Thỉnh thoảng theo chúng đánh xe bò ra cánh đồng Ma Rên chọn đất, xuống bãi sông Lu chọn cát. Đất làm gốm phải là loại đất sét nằm sâu chừng 2m, quánh dẻo và không lẫn sạn. Lấy về, phơi khô, ngâm nước thật mềm và nhồi với một lượng cát vừa phải. Chẳng có công thức nào, nhưng thừa hay thiếu một chút cát thì coi như hỏng mẻ gốm, nó sẽ bể ngay khi nung vừa chín tới.

Bình gốm Bàu Trúc

Người Chăm Bàu Trúc, cái làng gốm cổ nhất Đông Nam Á ấy là những người thợ thủ công cần mẫn và bảo thủ, chỉ một cái bàn xoay đơn giản nhưng không ai chịu dùng. Thay vì để cái bàn xoay, họ lại… đi vòng quanh sản phẩm trong quá trình tạo nặn.

Các cô thợ vẽ trong xưởng gốm Phù Lãng của Nhung khiến tôi nhớ những người đàn bà Chăm trong xưởng gốm của hoạ sĩ Đàng Năng Thọ. Nếu thợ vẽ của Nhung là những cô gái khăn bịt kín mặt để dưỡng da, thì xưởng gốm của anh hoạ sĩ Chăm là vợ và mẹ vợ của anh, những người đàn bà Chăm da hun màu đồng, lấm lem bùn đất.

Trong xưởng gốm của anh, dễ đến 80% sản phẩm là những bức tượng Chàm. Toàn tượng phụ nữ Chăm với khuôn ngực tròn căng phồn thực, đôi môi dày mãnh liệt ân ái, lông mày rậm không thể lẫn đâu với những bức tượng đàn bà khác. Nó không giống cô gái Chăm nào tôi từng gặp, nhưng nó cũng quen đến nỗi nhìn vào là nghĩ ngay đến những cô Lò, cô Mến, cô Xuân.. Những cö gái Chăm mà tôi vẫn cùng lũ trai làng chòng ghẹo trên đường ra đồng hay những đêm sáng trăng, trên những con đường làng gốm.
Những khuôn ngực Chăm ấy gợi nhớ cánh đồng làng, nơi tôi vẫn chống cuốc đứng nhìn xuống ruộng. Nơi ấy những Chiêm nữ khom người nhổ cỏ mà không hay có kẻ lén nhìn.

Nung gốm

Cả một làng Chăm, nơi tất cả con gái đàn bà đều trở thành nghệ nhân tạo hình gốm, nơi mà những chàng trai đều trở thành cầu thủ và ca sĩ. Lớn lên ở đó, dù không có chút huyết thống Chăm nào, nhưng hình như tôi bị đồng hoá cả phong cách và khẩu khí. Không chỉ nói tiếng Chăm, tôi nói tiếng Kinh y hệt những người Chăm. Ông bố tôi nhiều lần trừng mắt vì lối nói sai ngữ pháp và ngô nghê dù tôi không hề cố ý bắt chước…

Ngày vào Đại Học, thằng bạn dân Bình Định tin sái cổ tin khi tôi nói mình là người Chăm với cái tên Đàng Năng Hiển. Riết rồi cái phòng 213 ở KTX Bình Triệu thỉnh thoảng lại dội lên những câu chửi thề bằng tiếng Chăm do tôi truyền bá

Ở Sài Gòn, lâu lâu lại dội lên những cơn nhớ gốm, nhớ làng.

Nhớ ngày xưa, tôi nôn nao suốt những mùa lễ hội. Ngơ ngẩn nghe những câu dân ca buồn ão não của một Chiêm quốc lụi tàn, vui vẻ với những điệu nhạc cầu mưa và mùi trầm thơm ngày vào kut. Màu nắng Phan Rang, màu da Chiêm nữ, màu rơm vàng và màu khói gốm hình như cứ nằm đâu đó trong một góc hồn, để lâu lâu trỗi dậy nhưng cơn nhớ gốm…

Vài hôm trước, trò chuyện với một nhà văn đồng hương, hai thằng bảo nhau giá mà đời mình có một cô vợ Chăm với đôi mày rậm, khuôn ngực tròn căng và đôi môi mãnh liệt. Có thể lắm chứ, nếu ngày ấy mẹ tôi đồng ý cho thằng con trai đang học cấp 3 về ở rể theo lời dạm của một bà mẹ Chăm. Có khi giờ này tôi đã là bố của chừng dăm bảy chú nhóc da nâu, là một ông chủ xưởng gốm ngày ngày đánh xe bò ra sông Lu lấy cát, về cánh đồng Ma Rên lấy đất và mỗi đêm về lại ái ân với cô vợ họ Đàng.

Biết đâu, đó lại chẳng là một điều may mắn…

Đâu dáng em về trong điệu múa
Lưng Chàm xoay tít những hoa văn
Tay cong dâng nỗi buồn lên mắt
Để bâng khuâng chiều tháp Chiêm Thành.

Nhớ gốm, là nhớ luôn mấy câu thơ của Lê Nguyên Ngữ, là nhớ làng, nhớ một tuổi thơ và những khuôn ngực Chăm ngày mới lớn. Đi thật xa, thật lâu vẫn không quên được. Sắc gốm và màu nắng cháy Phan Rang, mùi gốm và mùi thịt da con gái. Màu đất nâu như màu đôi mắt buồn của em ngày xưa.

Mắt em buồn nhớ ngày phiêu dạt
Nhìn ướt đời tôi tự thuở nào.
Sưu tầm

Share this

Related Posts

Previous
Next Post »