Nhớ Gốm

Một ngày đông giá rét, từ Hà Nội ngược lên Bắc Ninh, về làng Phù Lãng thăm Nhung gốm. Nhà chênh vênh bên rẻo đồi xanh um nhãn và vải, sực nức mùi thơm của đất, ấm sực hơi gốm toả từ những mẻ bình, lọ vừa ra lò. Mấy cô thợ gốm lúi húi dọn, sàng từng mẩu đất thừa. Nhìn những bàn tay tỉ mẩn nâng niu từng vụn đất, tự nhiên nhớ gốm Bàu Trúc…

Lò nung gốm lộ thiên ở Bàu Trúc. Ảnh chụp từ những năm 90

Ngày còn bé, tôi suốt ngày la cà với đất và những thằng bạn Chăm cùng làng. Thỉnh thoảng theo chúng đánh xe bò ra cánh đồng Ma Rên chọn đất, xuống bãi sông Lu chọn cát. Đất làm gốm phải là loại đất sét nằm sâu chừng 2m, quánh dẻo và không lẫn sạn. Lấy về, phơi khô, ngâm nước thật mềm và nhồi với một lượng cát vừa phải. Chẳng có công thức nào, nhưng thừa hay thiếu một chút cát thì coi như hỏng mẻ gốm, nó sẽ bể ngay khi nung vừa chín tới.

Bình gốm Bàu Trúc

Người Chăm Bàu Trúc, cái làng gốm cổ nhất Đông Nam Á ấy là những người thợ thủ công cần mẫn và bảo thủ, chỉ một cái bàn xoay đơn giản nhưng không ai chịu dùng. Thay vì để cái bàn xoay, họ lại… đi vòng quanh sản phẩm trong quá trình tạo nặn.

Các cô thợ vẽ trong xưởng gốm Phù Lãng của Nhung khiến tôi nhớ những người đàn bà Chăm trong xưởng gốm của hoạ sĩ Đàng Năng Thọ. Nếu thợ vẽ của Nhung là những cô gái khăn bịt kín mặt để dưỡng da, thì xưởng gốm của anh hoạ sĩ Chăm là vợ và mẹ vợ của anh, những người đàn bà Chăm da hun màu đồng, lấm lem bùn đất.

Trong xưởng gốm của anh, dễ đến 80% sản phẩm là những bức tượng Chàm. Toàn tượng phụ nữ Chăm với khuôn ngực tròn căng phồn thực, đôi môi dày mãnh liệt ân ái, lông mày rậm không thể lẫn đâu với những bức tượng đàn bà khác. Nó không giống cô gái Chăm nào tôi từng gặp, nhưng nó cũng quen đến nỗi nhìn vào là nghĩ ngay đến những cô Lò, cô Mến, cô Xuân.. Những cö gái Chăm mà tôi vẫn cùng lũ trai làng chòng ghẹo trên đường ra đồng hay những đêm sáng trăng, trên những con đường làng gốm.
Những khuôn ngực Chăm ấy gợi nhớ cánh đồng làng, nơi tôi vẫn chống cuốc đứng nhìn xuống ruộng. Nơi ấy những Chiêm nữ khom người nhổ cỏ mà không hay có kẻ lén nhìn.

Nung gốm

Cả một làng Chăm, nơi tất cả con gái đàn bà đều trở thành nghệ nhân tạo hình gốm, nơi mà những chàng trai đều trở thành cầu thủ và ca sĩ. Lớn lên ở đó, dù không có chút huyết thống Chăm nào, nhưng hình như tôi bị đồng hoá cả phong cách và khẩu khí. Không chỉ nói tiếng Chăm, tôi nói tiếng Kinh y hệt những người Chăm. Ông bố tôi nhiều lần trừng mắt vì lối nói sai ngữ pháp và ngô nghê dù tôi không hề cố ý bắt chước…

Ngày vào Đại Học, thằng bạn dân Bình Định tin sái cổ tin khi tôi nói mình là người Chăm với cái tên Đàng Năng Hiển. Riết rồi cái phòng 213 ở KTX Bình Triệu thỉnh thoảng lại dội lên những câu chửi thề bằng tiếng Chăm do tôi truyền bá

Ở Sài Gòn, lâu lâu lại dội lên những cơn nhớ gốm, nhớ làng.

Nhớ ngày xưa, tôi nôn nao suốt những mùa lễ hội. Ngơ ngẩn nghe những câu dân ca buồn ão não của một Chiêm quốc lụi tàn, vui vẻ với những điệu nhạc cầu mưa và mùi trầm thơm ngày vào kut. Màu nắng Phan Rang, màu da Chiêm nữ, màu rơm vàng và màu khói gốm hình như cứ nằm đâu đó trong một góc hồn, để lâu lâu trỗi dậy nhưng cơn nhớ gốm…

Vài hôm trước, trò chuyện với một nhà văn đồng hương, hai thằng bảo nhau giá mà đời mình có một cô vợ Chăm với đôi mày rậm, khuôn ngực tròn căng và đôi môi mãnh liệt. Có thể lắm chứ, nếu ngày ấy mẹ tôi đồng ý cho thằng con trai đang học cấp 3 về ở rể theo lời dạm của một bà mẹ Chăm. Có khi giờ này tôi đã là bố của chừng dăm bảy chú nhóc da nâu, là một ông chủ xưởng gốm ngày ngày đánh xe bò ra sông Lu lấy cát, về cánh đồng Ma Rên lấy đất và mỗi đêm về lại ái ân với cô vợ họ Đàng.

Biết đâu, đó lại chẳng là một điều may mắn…

Đâu dáng em về trong điệu múa
Lưng Chàm xoay tít những hoa văn
Tay cong dâng nỗi buồn lên mắt
Để bâng khuâng chiều tháp Chiêm Thành.

Nhớ gốm, là nhớ luôn mấy câu thơ của Lê Nguyên Ngữ, là nhớ làng, nhớ một tuổi thơ và những khuôn ngực Chăm ngày mới lớn. Đi thật xa, thật lâu vẫn không quên được. Sắc gốm và màu nắng cháy Phan Rang, mùi gốm và mùi thịt da con gái. Màu đất nâu như màu đôi mắt buồn của em ngày xưa.

Mắt em buồn nhớ ngày phiêu dạt
Nhìn ướt đời tôi tự thuở nào.
Sưu tầm

Tượng thần Shiva – Siva

(Shiva; Sanskrit: Siva), một trong ba ngôi tối linh của Ấn Độ giáo, vừa là thần Huỷ diệt, vừa là thần Sáng tạo; bởi theo quan niệm Ấn Độ giáo, huỷ diệt chỉ là hành động tất yếu để đi đến sáng tạo.

Nếu sáng tạo là thiêng liêng, thì huỷ diệt cũng phải là một phương diện thiêng liêng khác. Siva bán nam bán nữ; tự phân làm chết và sống; một nguyên lí âm, một nguyên lí dương. Trong mĩ thuật, hình ảnh Siva thường được tượng trưng bằng Linga (dương vật) và Yôni (âm vật), hoặc là có 3 con mắt (Mặt Trời, Mặt Trăng và ngọn lửa thế gian), 4 tay (4 phương, tay đinh ba, tay rìu, tay xua đuổi sự sợ hãi, tay ban phước lành).

Phổ biến hơn cả là Siva đang múa, 4 tay [tay trống, tay (cầm) lửa, tay chĩa lên trời, tay xuống đất], Siva chân dẫm lên người lùn. Người ta thường nhắc tới tượng Siva hoàng đế của các vũ sĩ [cuối thế kỉ 7, động Elôra (Ellorã), Ấn Độ], Siva ba đầu [thế kỉ 7, đền Êlêphanta (Éléphanta), Ấn Độ].

Tượng Siva bằng đồng thế kỉ 1


Những ngọn tháp cô độc

“…Champa, Phù Nam, Thủy Chân Lạp… những cái tên khiến chúng ta nghĩ rằng, mỗi vết xe ngựa nam tiến năm xưa của Đại Việt là khảm vào thời gian hôm nay những cái nhìn ngoảnh lại đầy khắc khoải!”

(Lời nhận xét của nhà văn Nguyễn Vĩnh Nguyên)

Tháp Pô-Kloong-Gia-Rai
Tháp Pô-Kloong-Gia-Rai

Tôi không ấn tượng nhiều với Mỹ Sơn. Bởi trước khi đến đó, tôi đã từng đi qua nhiều ngọn tháp trên một quãng dài cả không gian và thời gian. Với tôi, sự “quần cư” của di tích Mỹ Sơn không gợi cảm xúc bằng những ngọn tháp cô độc.

Sáu tuổi, ở căn phòng nhỏ của bố tôi trong khu tập thể tôi hay nhìn ra phía cụm tháp Pô Kloong nổi lên trên đỉnh đồi Trầu. Một đồi hoa xương rồng tím ngát trên sườn núi đá. Ngọn tháp bảy trăm năm qua vẫn trân mình cùng gió Phan Rang. Nơi thờ vị Chiêm vương có công dẫn thuỷ nhập điền cho xứ Phan Rang khô cằn, mỗi năm chỉ nhộn nhịp một ngày vào đầu mùa tết Ka Tê, để rồi lại đắm chìm trong hơn 360 ngày cô độc.

Mười cây số cách tháp Pô Kloong về phía Tây nam là cụm tháp Pô Rô Mê. Quen với sử sách “con vua thì lại làm vua” trong sử Tàu, sử Việt. Quen với hình ảnh những ông vua soán ngôi đoạt quyền hoặc nổi lên từ khởi nghĩa nông dân vào buổi suy vong của những triều đại trước, tôi đặc biệt ấn tượng với ông vua này. Xuất thân từ một người chăn dê, chàng mục đồng đã bước vào hoàng tộc sau cuộc tình “ăn cơm trước kẻng” vói nàng công chúa và đĩnh đạc, hào sảng lên ngôi. Một cuộc tình bất xứng về danh vị được thừa nhận và vun đắp, chàng chăn dê không có quyền cao chức trọng, không vàng muôn bạc vạn. Chàng chỉ có tấm lòng và niềm tin nơi trái tim mình.

Phía Bắc Phan Rang là cụm tháp Hoà Lai. Người Phan Rang gọi là vùng Ba Tháp. Nó không giống những ngôi tháp khác, lai kiến trúc Khmer, dấu ấn một thời vua Miên dẫn quân xâm chiếm Chiêm Thành. Hoang phế và đổ nát cho đến gần đây nó được làm mới, đẹp hơn nhưng hồn cũ không còn.

Có những ngày lang bạt cùng bè bạn. Túi chỉ dăm đồng lẻ đủ mua rượu, tôi và Vương Huy cuốc bộ lên lầu ông Hoàng, Phan Thiết. Khu biệt thự ngày xưa giờ là phế tích, cạnh đó là tháp Pô Sha Nư với những bầy dơi chao chác trong bóng chiều chạng vạng. Huy lẩm nhẩm : Pô Sha Nư buổi chiều gạch rụng/ lầu ông Hoàng hiu hắt bóng nhà thơ. Ngoài hai mươi, ai đó bừng cháy khát khao, còn Vương Huy chỉ mong ký thác cuộc đời: Ai quang gánh Phú Long chiều vãn chợ/ có gánh dùm mớ tuổi của tôi?. Nhìn bóng Huy liêu xiêu bên bóng tháp, tôi chợt nghĩ ngọn tháp kia với đứa bạn thơ của mình, nỗi cô đơn của ai lớn hơn?

Một buồi chiều nhiều gió, một mình một xe máy ngược đường 19 về Tây Sơn, bóng tháp Dương Long đã níu chân tôi. Chợt nhớ những ngọn tháp Chàm đã lùi dần vào Nam. Chiêm quốc xưa nhỏ dần, lùi dần cho đến ngày tiêu vong. Từ Mỹ Sơn, Dương Long, Pô Rô Mê, Pô Sha Nư…Nền văn mình Chiêm thành bị dồn đuổi. Không biết các vị vua Chăm xưa nghĩ gì. Hay như Pô Rô Mê, lại ngọn sáo lưng trâu, hào sảng đời du mục để tìm quên?

Nền văn minh và niềm kiêu hãnh đã rêu phong

Sự cô đơn của những ngọn tháp ẩn chứa ít nhiều kiêu hãnh. Cùng thời đại, ở Việt Nam đố tìm thấy những công trình tầm cỡ như thế. Bảy trăm năm phơi cùng sương gió, Tháp Pô K’ Loong là bằng chứng hùng hồn về một nền văn minh của một vương quốc rộng lớn trước khi nó trở thành … một dân tộc thiểu số ngày hôm nay.

Đâu rồi một thời vó ngựa Chế Bồng Nga khiến vua Việt phải dâng con gái đổi đất cầu hoà? Đâu rồi một thuở nền âm nhạc Chăm áp đặt giai điệu của mình lên dân Việt để nay âm hưởng của nó còn tồn tại trong nhã nhạc cung đình Huế?

Xa lắm rồi!

Trong các làng Chăm Phan Rang không có cây cổ thụ, những thầy Chang, thầy Xế Bà La Môn nói chặt cây để không còn chỗ cho ma quỷ ở. Nhưng ông hàng xóm Sử Văn Ngọc của tôi ở làng Bàu Trúc, một người sưu tầm văn hoá Chăm, có lần bảo rằng đó là cách dùng tín ngưỡng để che ý đồ quân sự. Làng Chăm ở trên những ngọn đồi cao, dưới chân đồi có suối nước sinh hoạt, làng chặt sạch cây để từ xa họ có thể nhìn rõ bóng quân thù. Tâm trạng của nhiều thế hệ bị truy kích đã tạo nên tập quán ấy…

Những lin-ga rực lửa ái ân không đủ duy trì sự hưng thịnh của dân tộc

Một nền văn minh cũ không còn. Ngày nay chẳng ai còn nghe những câu dân ca Chăm về những vị vua xưa. Còn chăng là những lời ca về tình yêu lứa đôi, về cánh đồng, về những mùa trăng thôn dã. Giai điệu thì vẫn còn thở than và oán trách, nhưng ca từ thì tuyệt nhiên không.

Ôi, một dân tộc mà ngay cả lời thở than cũng là ẩn dụ! Sự cô đơn của những ngọn tháp, dù sao cũng nói được nhiều hơn những lời ca kia…. Một nền văn minh bị che khuất hoặc cố tình che mình như chiếc khăn choàng của những cô gái Chăm Hồi giáo, có nhan sắc mà không dám tự hào.

Những linga rừng rực lửa ái ân không đủ duy trì sự hưng thịnh của một nền văn minh đang tàn lụi…

Hàng ngàn tấm ảnh tháp Chàm, nhiều ảnh đã được trao giải, nhiều nhà nhiếp ảnh đã thành danh nhờ chụp nó. Nhưng tôi không thích một tấm nào. Bởi cả người chụp và người chấm ảnh hình như không muốn nói lên điều mà những ngọn tháp kia và thời gian muốn nói: Sự cô đơn, lòng kiêu hãnh, sự rêu phong của một nền văn minh và thân phận một dân tộc…

Saigon 22-5-2007
NGUYỄN ĐỨC HIỂN

Sưu tầm

Vũ nữ Apsara

Vũ nữ theo huyền thoại của đạo Ba La Môn ở Ấn Độ, vừa là thần vừa là người, xuất hiện để gây cảm hứng tình yêu và cám dỗ các nhà tu hành khổ hạnh.

Apasara được ra đời từ việc khuấy biển sữa để lấy thuốc trường sinh, mang tính chất nữ thuỷ thần. Phật giáo đưa vào điện thờ như những tiên nữ dâng hoa cúng Phật. Trong nghệ thuật Châu Á (Ấn Độ giáo và Phật giáo), Apsara thường được thể hiện trong hình tượng vũ nữ hay nhạc công. Những Apsara đẹp nhất là Apsara ở các phù điêu đá tại Ăngko Vat (Angkor Vat), Cămpuchia nửa đầu thế kỉ 12.

Trong nghệ thuật Chăm cổ ở Việt cũng có nhiều tượng Apsara đẹp, nổi tiếng nhất là tượng Vũ nữ Trà Kiệu.

Vũ Nữ Trà Kiệu